“Tổng vốn FDI đăng ký đạt 21,52 tỉ USD cho thấy, Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn với Báo Lao Động.

Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 21,52 tỉ USD. Ông có đánh giá như thế nào về con số này?
– Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi tổng vốn đầu tư đạt 21,51 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và xu hướng tích cực của Việt Nam trong việc giữ chân và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với bối cảnh cạnh tranh khu vực đang ngày càng khốc liệt.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỉ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua. Con số không chỉ ấn tượng về mặt thống kê, mà còn phản ánh chuyển biến chất lượng và hiệu quả trong môi trường đầu tư Việt Nam.
Kết quả vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm 2025 đã phản ánh những chuyển biến tích cực về chính sách, năng lực nội tại và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng được cộng đồng đầu tư quốc tế đánh giá cao là Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ thể chế, luật pháp và hành chính nhằm tạo một sân chơi công bằng, minh bạch. Nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 8,95 tỉ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Những con số này phản ánh điều gì, thưa ông?
– Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh cho các dự án đang hoạt động đạt 8,95 tỉ USD, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Điều này cho thấy niềm tin mạnh mẽ và cam kết dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc “đặt chân” vào thị trường, nhiều nhà đầu tư đã quyết định mở rộng quy mô, tăng vốn, thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào môi trường đầu tư cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Trong số nguồn vốn FDI đăng ký thêm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,57 tỉ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,84 tỉ USD, chiếm 26,5%; các ngành còn lại đạt 2,84 tỉ USD, chiếm 30,6%. Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư đặc biệt là trong các ngành chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp hiện hữu đang mở rộng nhà máy, nâng cấp công nghệ, và chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và ESG toàn cầu.
Ông dự báo nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nửa cuối năm 2025 sẽ có xu hướng nào?
– Dự báo trong 6 tháng cuối năm, dòng vốn điều chỉnh tiếp tục là động lực chính, khi các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ, tăng quy mô vận hành. Trong khi đó, vốn đăng ký mới – thường là thước đo về mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư có thể tăng chậm lại trong ngắn hạn. Nguyên nhân đến từ sự bất định kéo dài trong thương mại toàn cầu, lãi suất cao tại các nền kinh tế phát triển, xung đột địa chính trị và xu hướng dịch chuyển dòng vốn về các thị trường an toàn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ lợi thế trong mắt các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự ổn định chính trị, nền kinh tế mở, nguồn nhân lực trẻ và mạng lưới hiệp định thương mại tự do rộng lớn.
Theo tôi, công nghệ cao và điện tử sẽ tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Với việc mở rộng dây chuyền sản xuất chip bán dẫn, linh kiện điện tử, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năng lượng tái tạo là một mũi nhọn quan trọng khác. Các quy định mới của Chính phủ, cùng với mục tiêu cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối được đẩy mạnh…
Bức tranh FDI 6 tháng cuối năm 2025 hứa hẹn nhiều gam màu sáng, nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế hiện có, giữ vững ổn định vĩ mô và kiên trì cải cách thể chế. Trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn toàn cầu đang ngày càng khốc liệt, việc chọn đúng hướng, ưu tiên đầu tư chất lượng, công nghệ cao, bền vững sẽ giúp Việt Nam không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi trú ẩn dài hạn cho các tập đoàn toàn cầu.
– Xin cảm ơn ông!