Theo Bộ Giao thông Vận tải, tàu đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ chạy hoàn toàn bằng điện.
“Tàu chạy đường sắt cao tốc sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế các-bon thấp, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26”, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh tại buổi trao đổi với báo chí về về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam đầu tháng 10.2024.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra theo nghiên cứu của Hiệp hội Đường sắt thế giới, đường sắt cao tốc là phương thức vận tải bền vững, an toàn.
Tàu đường sắt cao tốc rất thân thiện với môi trường (chi phí tác động của đường sắt tốc độ cao thấp hơn so với các phương thức khác; phát thải CO2 thấp hơn máy bay 8,5 lần, thấp hơn ôtô 3,7 lần; chi phí giảm lượng phát thải CO2 sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD vào năm 2040, khoảng 172 triệu USD vào năm 2050), tiết kiệm tài nguyên.
Để vận chuyển khoảng 15.000 – 16.000 hành khách/giờ, tuyến đường bộ cần có bề rộng chiếm đất khoảng 75m nhưng tuyến đường sắt tốc độ cao cần bề rộng chiếm đất khoảng 25m, chỉ bằng 1/3 so với đường bộ) đồng thời, tuyến đường sắt cao tốc phần lớn sử dụng kết cấu cầu, hầm (khoảng 70% chiều dài tuyến) góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng.
Ngoài ra, ngân hàng phát triển Châu Á tính toán thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra ở Việt Nam hàng năm khoảng 2,9% GDP cả nước; theo tính toán, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ tiết kiệm chi phí thiệt hại do giảm tai nạn giao thông khoảng 849 triệu USD vào năm 2040, khoảng 1.906 triệu USD vào năm 2050.
Do vậy, việc triển khai đường sắt cao tốc góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường và hướng tới kinh tế xanh.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc triển khai tàu cao tốc với các công nghệ cao trên thế giới. Tuy nhiên, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.
Dự kiến dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.
Trên toàn tuyến sẽ được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 – 70 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỉ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỉ USD.
Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.