Tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam vượt kịch bản đề ra

Đăng ngày 04/05/2024

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế vĩ mô quý I cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: MPI)

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng để chúng ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng và phát triển của nước ta. Tuy nhiên, thẳng thắn phân tích, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới. Đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công việc hiệu quả, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; nắm chắc tình hình, quyết liệt trong tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống cũng như các động lực tăng trưởng mới phù hợp xu thế phát triển như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh…; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế và phát triển kết cấu hạ tầng, các giải pháp trong trung và dài hạn…

Có thể nói, tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ 2023, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP. Hồ Chí Minh (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu NSNN quý I ước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I đều tăng lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,7%). Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9% (02 tháng tăng 55,2%); vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Kết quả này là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 2,9%); tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh, là tín hiệu tốt cho sản xuất, xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,5% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 8,2%; khách quốc tế của quý I đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ, vượt 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19). Trong quý I, có gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 02 Luật, 02 Nghị quyết; tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng các Luật, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; khẩn trương ban hành 16 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) trong tháng 5 để trình Quốc hội cho phép áp dụng Luật ngay trong tháng 7 năm 2024. Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch các địa phương.

Các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”, dự án chậm tiến độ tiếp tục được tập trung xử lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; tập trung triển khai Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch; thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, bảo đảm tiến độ công việc để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024. Nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định… đã tích cực, quyết liệt triển khai sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng hợp tin

Các tin liên quan