Ngoài đóng góp đáng kể vào ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, các khu kinh tế, công nghiệp (KKTCN) đang thu hút một lượng lớn doanh nghiệp FDI vào đầu tư, giúp khơi thông và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đó là lý do trong thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư vào các KKTCN.
Dẫn dắt đầu tư
Thời gian gần đây, một số dự án đầu tư hạ tầng các KKTCN đã và đang đưa vào hoạt động, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Điểm sáng phải kể đến là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex, do Công ty cổ phần KCN Gilimex là chủ đầu tư đi vào vận hành. Khởi công từ tháng 11/2022, dự án có quy mô 460ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Sau chưa đầy 2 năm đầu tư, hạ tầng kỹ thuật dự án ngày một hoàn chỉnh, với số vốn đầu tư thực hiện hơn 581 tỷ đồng. Dự án được thiết kế nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại về phát triển công nghiệp xanh và sạch, phù hợp với các xu hướng phát triển bền vững hiện nay.
KCN Gilimex cũng thu hút nhiều dự án vào đầu tư với cam kết thu hút các ngành nghề đầu tư công nghiệp xanh – sạch – công nghệ tiên tiến. Vị trí chiến lược của khu công nghiệp này, cùng với sự phát triển hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động hiệu quả. Dự án khi hoàn thành và kêu gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đăng ký sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Trên nền tảng hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh của các KKTCN, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, tạo tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như hoạt động đầu tư. Trong đó phải kể đến dự án Nhà máy Kanglongda Huế của Công ty Kanglongda International Holdings Limited, có tổng vốn đầu tư đăng ký 4.812 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 35,6ha. Hiện, các hạng mục nhà xưởng, công trình phụ trợ, lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1 đã được doanh nghiệp đầu tư. Khi đi vào vận hành, kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động, đóng góp cho ngân sách hơn 200 tỷ đồng/năm.
Ngoài các dự án này, trên địa bàn KKTCN tỉnh đang có 178 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 119.636 tỷ đồng, trong đó, 51 dự án vốn FDI, với vốn đầu tư đăng ký 74.971 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay đạt 41.791 tỷ đồng, riêng đến hết quý II/2024, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng.
Cũng trong những tháng đầu năm nay, trên địa bàn các KKTCN tỉnh đã cấp mới cho 11 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.515 tỷ đồng, doanh thu trên địa bàn ước đạt 21.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732 triệu USD, nộp ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng. Đồng thời, KKTCN tỉnh cũng thu hút hơn 39.500 lao động đang làm việc.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành địa phương có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn nhất khu vực miền Trung. Theo đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ cắt giảm thủ tục hành chính cũng như triển khai nhiều ưu đãi đầu tư; quan tâm đầu tư mặt bằng sạch… Điều này thể hiện rõ trong các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư mà Thừa Thiên Huế đang triển khai.
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thừa Thiên Huế triển khai khá nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Riêng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh có chính sách hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, trong hàng rào. Doanh nghiệp khi đầu tư vào KKTCN cũng được hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông qua việc ưu tiên trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất. Các nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung còn được hỗ trợ chi phí đi lại tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài theo kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh.
Ngoài ra, với quỹ đất sạch tương đối lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng tạo điều kiện đáng kể cho các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu đầu tư tại KKTCN của tỉnh. Trong đó, diện tích đất sạch sẵn sàng kêu gọi đầu tư tại các KCN hiện có khoảng 360ha. Với quỹ đất này, tỉnh định hướng sẽ tập trung thu hút đa dạng các loại hình công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường và các hoạt động thương mại tổng hợp, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.
Cùng với các ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư. Hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư… “Với những nỗ lực này, Thừa Thiên Huế mong muốn sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư đánh thức tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của địa phương, trong đó có các KKTCN”, ông Phan Quốc Sơn chia sẻ.